bgware

Học WordPress - Bài 04 - Quản lý tên miền và hosting

Sau khi đã có tài khoản quản trị tên miền và hosting, bạn tiến hành trỏ tên miền về ip của hosting mà bạn đang sở hữu. Việc này cực kỳ đơn giản, quan trọng là Action!

1. Đăng nhập tài khoản quản lý tên miền

Sau khi bạn đã liên hệ và thực hiện giao dịch với đơn vị cung cấp tên miền (đơn vị bán tên miền cho bạn), họ sẽ gửi cho bạn các thông tin về tài khoản để quản lý tên miền mà bạn vừa sở hữu. Thông thường thông tin này được đơn vị này chuyển cho bạn qua email mà bạn đăng ký với họ. Các thông tin bạn cần nhận bao gồm:
  • Thông tin 1: Tên tài khoản đăng nhập (Username)
  • Thông tin 2: Mật khẩu đăng nhập (Password)
  • Thông tin 3: Địa chỉ để đăng nhập
Với 3 thông tin vừa nhận được bên trên, bạn thực hiện các bước sau để đăng nhập vào tài khoản:
  • Bước 1: Truy cập vào địa chỉ đăng nhập (thông tin 3)
  • Bước 2: Dùng thông tin 1 và 2 (Username và Password) để nhập vào 2 ô chính trên trang hiện ra khi truy cập vào địa chỉ ở bước 1.
  • Ngoài ra, một số nhà cung cấp còn yêu cầu bạn nhập các xác thực bảo mật như điền thêm các ký tự xác thực để bảo mật,...để tránh tình trạng các robot do các hacker tự động đăng nhập.

2. Cài đặt các thông số của tên miền

Chỉ với vài thao tác đơn giản, chúng ta đã vào được trang quản trị tên miền rồi. Với mỗi nhà cung cấp dịch vụ tên miền khác nhau sẽ cung cấp cho bạn các trang quản trị khác nhau. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng, vì bạn chỉ cần điền một số thông tin vào đây để có thể trỏ tên miền về địa chỉ IP hosting của mình. Nhưng trước khi làm được điều này, ta có thể cài đặt lại một số thông tin như tên truy cập hoặc là mật khẩu truy cập.

3. Xem địa chỉ IP hosting

Để biết địa chỉ IP Hosting của bạn, bạn chỉ cần kiểm tra thông tin giao dịch với đơn vị cung cấp (bán) Hosting của bạn. Thông thường cũng tương tự như dịch vụ về Domain, họ sẽ gửi cho bạn thông tin liên quan đến Hosting bao gồm:
  • Thông tin 1: Tên tài khoản đăng nhập (Username)
  • Thông tin 2: Mật khẩu đăng nhập (Password)
  • Thông tin 3: Địa chỉ để đăng nhập
Tương tự như việc quản trị Domain, bạn sẽ truy cập địa chỉ đăng nhập (thông tin 3) và dùng thông tin 1, thông tin 2 để đăng nhập vào hệ thống quản trị Hosting.

Đó là cách để bạn nhận và xem IP của Hosting mà bạn mới mua. Ngoài ra, bạn có thể dùng cách sau để kiểm tra địa chỉ IP của một trang web bất kỳ hay nói cách khác, bạn có thể kiểm tra xem địa chỉ IP của Hosting đang chứa trang web mà bạn muốn xem. Hãy thực hiện theo một số cách sau nhé:

3.1 Cách 1: Dùng công cụ online

Bạn có thể truy cập vào các trang web sau và gõ vào địa chỉ trang web mà bạn muốn kiểm tra. Các công cụ online này sẽ trả về cho bạn kết quả trang web mà bạn đang tìm thuộc địa chỉ IP nào.
  • https://www.site24x7.com/find-ip-address-of-web-site.html
  • http://ipinfo.info/html/ip_checker.php
  • https://check-host.net/ip-info?

3.2 Cách 2: Dùng công cụ trên máy tính

Thay vì vào internet, bạn dùng CMD bằng cách:
  • Bấm tổ hợp phím Window + R
  • Sau đó bạn gõ CMD
window run
  • Và bấm Enter > Một màn hình đen hiện ra.
  • Bạn gõ ping > Space bar (cách trắng) > địa chỉ trang web.
cmd ping
  • Bấm Enter và xem kết quả trả về là IP của trang web bạn đang tìm
ping

4. Trỏ tên miền về hosting

4.1 Trỏ tên miền về hosting là gì ?

Để hiểu được vấn đề này, chúng ta hãy cùng xem qua ví dụ sau. Nếu như trang web của bạn là ngôi nhà trên mạng thì Hosting là đất xây nhà và Domain (tên miền) là địa chỉ của ngôi nhà ấy. Khi người dùng sử dụng trình duyệt web, gõ địa chỉ trang web của bạn vào và bấm enter, thì dựa theo tên miền đó, các hệ thống mạng sẽ truy xuất tên miền này thuộc địa chỉ IP nào, tức là dò xem tên trang web này thuộc hệ thống Server nào. Vì mỗi một Server hay một Hosting đều có một địa chỉ IP riêng. Do đó, căn cứ vào địa chỉ IP của Hosting mà bạn sở hữu, hệ thống mạng sẽ dẫn người dùng về đúng với website của bạn có trên Hosting đó.

Thực ra, trên một Hosting, bạn có thể xây được nhiều webstite trên đó vì như ví dụ trên, Hosting như là một miếng đất, và việc xây dựng một hay hai hoặc nhiều hơn nữa các ngôi nhà trên đó là tùy. Tùy ở đây là tùy thuộc vào diện tích của mảnh đất đó có lớn hay không (dung lượng) và kết cấu đất có tốt hay không (băng thông, phần cứng). Như vậy, mỗi một Hosting sẽ có một địa chỉ IP và có thể chứa đựng trên đó nhiều website tương ứng với nhiều tên miền. Đến đây, nếu bạn có rối lên thì cũng đừng có lo nhé, hãy bình tĩnh, chúng ta sẽ hệ thống lại ngay bây giờ.

Hosting có địa chỉ IP > người dùng gõ tên miền vào trình duyệt > hệ thống máy chủ sẽ phân giải tên miền này thuộc địa Hosting nào (thông qua truy xuất IP của hosting) > Vào đến Hosting này có thể có nhiều web, nhưng may mắn quá, vì ngay từ đầu bạn đã thông tin cho hệ thống các máy chủ là bạn muốn tìm trang web với tên là "Domain của bạn" > do đó, máy chủ sẽ chuyển người dùng đến đúng trang web của bạn với các dữ liệu trên đó hết sức dễ dàng.

4.2 Các bước trỏ tên miền về IP của Hosting

Bạn đã hiểu được thế nào là trỏ tên miền về IP của Hosting, và bây giờ chúng ta sẽ thực hiện nhé.
Bạn vào bảng quản trị tên miền, vào mục cấu hình DNS và nhập vào địa chỉ IP của Hosting .
  • Bước 1: Bấm vào địa chỉ truy cập quản trị tên miền
  • Bước 2: Nhập vào tên miền và mật khẩu đăng nhập
control panel dns
  • Bước 3: Bấm vào ô "Sửa" ở các dòng và nhập vào thông tin tương ứng với các ô:
    • Dòng 1: Name: *; IP Address: địa chỉ ip của bạn
    • Dòng 2: Name: @; IP Address: địa chỉ ip của bạn
    • Dòng 1: Name: mail; IP Address: địa chỉ ip của bạn
control panel dns 2
Sau khi sửa xong 3 dòng trên, bạn lưu lại và có thể thoát khỏi quản trị tên miền nếu muốn.
Lưu ý:
Mỗi nhà cung cấp dịch vụ tên miền sẽ cho bạn các trang quản trị tên miền khác nhau, nhưng cho dù là lựa chọn nhà cung cấp nào, bạn cần điền các thông tin trên trong bảng cấu hình DNS. Lưu ý, bạn phải chọn đúng mục Cấu hình DNS và điền 3 dòng thông tin ở trong bảng A (host/ IPv4). Có như vậy địa chỉ trang web của bạn mới trỏ về Hosting một cách chính xác.

5. Tìm hiểu DirectAdmin quản trị hosting

5.1 Công cụ quản trị Hosting - Direct Admin

Có khá nhiều các công cụ quản trị Hosting như Direct Admin, C-Panel, Plesk, Cloud Linux, LiteSpeed,...nhưng trong loạt bài hướng dẫn làm web WordPress này, chúng ta sẽ tìm hiểu về công cụ Direct Admin, và chúng ta cũng sẽ tìm hiểu một số công cụ khác như C-Panel trong các phần bài khác. Thật ra, cho dù dùng công cụ nào cũng không quan trọng bằng việc bạn nắm vững được nguyên tắc hay nguyên lý để trang web của bạn được hình thành và chạy được trên hệ thống mạng internet thông qua tên miền và Hosting. Và trong loạt bài này, các bạn sẽ nắm được các nguyên tắc đó. Và sau này, cho dù bạn chuyển đổi các công cụ quản lý khác cũng không là một vấn đề lớn.

Direct Admin là một công cụ được sử dụng rất phổ biến và rộng rãi trên toàn thế giới trong lĩnh vực quản trị Hosting. Công cụ này thường được các nhà cung cấp dịch vụ hosting cài đặt sẵn vào hosting, người dùng chỉ việc sử dụng các tài khoản được cung cấp và đăng nhập vào hệ thống quản trị. Trong khuôn khổ loạt bài hướng dẫn này chúng tả sẽ tìm hiểu về cách đăng nhập và quản lý Hosting bằng Direct Admin.

5.2 Đăng nhập vào Direct Admin

Để đăng nhập vào Hosting thông qua công cụ quản trị Direct Admin, bạn làm theo các bước sau:
  • Bước 1: Nhập địa chỉ đăng nhập vào Hosting (do bên cung cấp dịch vụ Hosting gửi cho bạn)
  • Bước 2: Dùng tên đăng nhập và mật khẩu để đăng nhập vào hệ thống
Login DirectAdmin

5.3 Giao diện và các chức năng căn bản trên Direct Admin

Direct Admin Interface

Sau khi đăng nhập vào quản trị Hosting bằng công cụ DirectAdmin, giao diện DirectAdmin sẽ xuất hiện trên màn hình . Phía trên cùng sẽ có hệ thống Menu với các icon bằng hình ảnh tương ứng với các chức năng điều hướng trong phần mềm. Và bên dưới, theo phương đứng từ trên xuống, phần mềm chia thành 3 khu vực:
  • Your Account: Khu vực để cài đặt các vấn đề liên quan tài khoản quản trị Hosting, cài đặt thêm hay xóa tên miền, cài đặt các cơ sở dữ liệu,...Đây là khu vực chúng ta cần quan tâm đầu tiên.
  • E-Mail Management: Khu vực này liên quan đến việc cài đặt việc quản lý các email server. Sẽ có giới hạn nếu hosting của bạn đăng ký với nhà cung cấp thiếu chức năng về mail server hoặc bạn sẽ tốn một chi phí cao hơn nếu đăng ký thêm dịch vụ email cho hosting của mình. Ngoài ra, việc tự cài đặt các dịch vụ gửi email thông qua hosting của bạn đòi hỏi phải có các nghiệp vụ chuyên môn tương đối tốt để không phải gặp các sự cố về lỗi hệ thống. Khu vực này sẽ nằm ngoài phạm vi làm việc trong loạt bài hướng dẫn làm web WordPress này.
  • Advance Features: Khu vực này liên quan đến việc cài đặt các thuộc tính nâng cao cho Hosting như chứng thực SSL (chứng thực mã hóa dữ liệu tương tác với máy chủ), thông tin server, các vấn đề cài đặt khác,...Khu vực này cũng khá quan trọng và chúng ta sẽ tìm hiểu trong các loạt bài về Direct Admin.
Chúng ta chưa thể hiểu hết các chức năng trên công cụ này vì nó gần như hoàn toàn mới (đối với các bạn mới dùng Direct Admin), nhưng đó không là vấn đề. Nhiệm vụ của chúng ta là sử dụng đúng những công cụ để thực hiện được mục đích mà chúng ta cần đạt đến trong bài học này.

6. Add tên miền vào quản trị hosting

Ở bước trên, bạn đã thực hiện thao tác Trỏ tên miền về IP của Hosting, bước này bạn cần thực hiện thao tác thêm tên miền vào trong Hosting để hoàn thiện mối quan hệ cơ hữu trong một website hoàn chỉnh. Để add (thêm) tên miền vào Hosting của mình, bạn vào mục Your Account, kích chuột vào Domain Setup.
Trang mới hiển thị bảng chứa thông tin mà các domain có trên Hosting này (hiện tại chưa có trong ví dụ này). Bạn kích chuột vào chọn Add Another Domain để thêm một tên miền mới vào Hosting.
 
add domain 1

Sau khi kích chọn Add Another Domain, một bảng mới hiện ra yêu cầu bạn nhập thông tin tên miền của bạn vào. Việc của bạn là nhập tên miền của mình vào và bấm Cre-ate.
 
add domain 3

Và cuối cùng bây giờ, bạn đã "đưa được em về" Hosting của mình rồi. Địa chỉ website của bạn và hosting đã được kết nối với nhau.
 
add domain 2

Bây giờ, bạn dùng một trình duyệt web bất kỳ  (coccoc, chrome, firefox,...) để truy cập vào trang web của mình, giao diện sẽ như thế này:
 
website on direct admin
Điều này có nghĩa là bạn đã kết nối thành công mối quan hệ giữa Domain và Hosting mà bạn đã mua từ các nhà cung cấp hay nói cách khác là bạn đã trỏ tên miền và hosting thành công.
 

Tìm hiểu bài sau:

Trong bài học tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu và thực hành cách để download và cài đặt phần mềm làm web là WordPress lên Hosting vcũng như có những bước ban đầu xây dựng trang web của bạn một cách cơ bản nhất. Đừng nôn nóng, một bước chuyển mới đang chờ bạn ở Bài 05 - Cài đặt WordPress lên Hosting.
Có: 0/0 đã cho sao
tiếc gì 1 click để cho sao

Bạn đã xem chưa?

Đăng ký ngay công cụ SEO web hiệu quả, dễ dùng XOVI NOW

Đăng ký ngay công cụ SEO web hiệu quả, dễ dùng XOVI NOW

XOVI NOW SEO là một công cụ SEO toàn diện, cung cấp đầy đủ các tính năng cần thiết cho doanh nghiệp trong việc tối ưu hóa website và tăng thứ hạng trên công cụ tìm kiếm.

Chăm sóc trang web, điều nên làm ngay khi có web

Chăm sóc trang web, điều nên làm ngay khi có web

Website là một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh trực tuyến của bất kỳ doanh nghiệp nào. Chăm sóc website là một trong những công việc quan trọng để đảm bảo website hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả.

Tạo email giá rẻ và hiệu quả: Khám phá giải pháp tiết kiệm chi phí.

Tạo email giá rẻ và hiệu quả: Khám phá giải pháp tiết kiệm chi phí.

Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng, việc có một địa chỉ email chuyên nghiệp trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn đầu tư một số tiền lớn để có một dịch vụ email chất lượng.

Quay lại trang Blog
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây