bgware

Học WordPress - Bài 06 - Cài đặt trang web WordPress

Sau khi đã cài đặt Wordpress lên hosting, trang web của bạn chỉ như tờ giấy trắng, bạn cần trang điểm cho nó đầy màu sắc, bài học này sẽ hướng dẫn các bạn cài đặt trang web của mình.

1. Đăng nhập trang quản trị website

Sau khi đã cài đặt trang web thành công lên Hosting với WordPress, để đăng tạo được một trang web wordpress đẹp, với nhiều các chức năng phục vụ người dùng, điều đầu tiên bạn cần phải làm đó là đăng nhập vào một trang quản trị website. Bạn sẽ thực hiện theo các bước sau:
  • Mở một trình duyệt web bất kỳ (gợi ý Chrome, Coccoc, Firefox)
  • Gõ vào thanh địa chỉ với cấu trúc đường dẫn: http://địa chỉ trang web của bạn/wp-admin/ (hoặc http://địa chỉ trang web của bạn/admin/)
  • Nhập vào các thông tin bao gồm: Tên đăng nhậpmật khẩu (hai thông tin này các bạn đã tạo ra từ bài số 5, trong phần nhập thông tin trang web).
  • Sau cùng bạn chỉ cần bấm vào nút "Đăng nhập"
2 đăng nhập quản trị web wordpress
 

2. Tìm hiểu sơ bộ về giao diện trang web wordpres

2.1 Giao diện trang hiển thị với người dùng

Sau khi cài đặt thành công trang web WordPress với phần bài số 5, ta đã có một trang web được làm bằng WordPress mới toanh. Không cần phải nhập vào các ngôn ngữ lập trình phức tạp, ta cũng đã có các trang web của riêng mình (hình minh họa bên dưới).
 
1 trang web wordpress mới

Tuy nhiên, để tự tin khoe trang web này với mọi người thì chắc hẳn ta cũng chưa nên, vì hiện tại nó chỉ là một trang web căn bản, chưa có các hình ảnh hay các bài viết chia sẻ các thông tin gì thú vị cả. Để làm nên một trang web cực kỳ bắt mắt và có nhiều tính năng phục vụ người dùng, điều đầu tiên chúng ta cần phải quan tâm đó là làm thế nào để biết được cách tạo nên các bài viết, các tính năng hay các hiệu ứng thú vị đó. Như vậy ta cần phải học cách sử dụng công cụ wordpress để có thể sử dụng công cụ này và tạo nên các sản phẩm mà ta mong muốn.

2.2 Giao diện trang quản trị website wordpress

Sau khi đăng nhập vào trang quản trị website wordpress, giao diện phần mềm thiết kế website wordpress đã xuất hiện trước mắt các bạn:
 
3 Giao diện trang quản trị wordpress

Trên giao diện này chia ra làm 2 khu vực chính:
  • Khu vực số 1 có nền màu xám đen, là cột bên trái với trên nó là các menu được xếp thành nhiều dòng dọc từ bên trên xuống. Tương ứng với mỗi dòng này là một chức năng chứa đựng nhiều thông số cài đặt và qua đó, ta sẽ thiết lập trang web của mình như là mình mong muốn. 
  • Khu vực số 2 có nền màu trắng, là cột bên phải (có diện tích lớn hơn). Tương ứng với mỗi chức năng từ các menu bên khu vực 1 thì khu vực số 2 này sẽ hiển thị theo khi ta tương tác đến từng menu bên trái. Như vậy, đây là vùng hiển thị chính. Còn vùng số 1 là khu vực điều hướng.

2.2.1 Bảng tin

Bảng tin wp
  • Bảng tin: chứa các thông tin mới về phần mềm WordPress, các ứng dụng yêu cầu cập nhật hoặc các thông báo về người dùng, về nhận xét bài viết,...Trong bảng tin có hai menu con là Trang chủ và cập nhật.
  • Trang chủ: menu trở về trang chủ làm việc của trang giao diện chính Wordpress
  • Cập nhật: chứa các thông tin về phiên bản phần mềm wordpress cũng như các phiên bản mới hoặc yêu cầu cập nhật phần mềm lên phiên bản mới hơn.

2.2.2 Bài viết

Bài viết wp

Menu Bài viết chứa tất cả các vấn đề liên quan đến bài viết đăng tải trên web. Bạn có thể viết bài viết mới hoặc xóa các bài viết cũ hoặc tạo chuyên mục cho các bài viết tại mục này.
  • Tất cả bài viết: Liệt kê tất cả các bài viết với dạng danh sách. Bạn có thể chọn xem hoặc sửa các bài viết trên danh sách hoặc xóa bất kỳ bài viết nào nếu bạn muốn.
  • Viết bài mới: Menu thực hiện nhanh yêu cầu viết bài mới của bạn. Trong này bạn có thể viết bài với công cụ soạn thảo văn bản mặc định hoặc công cụ soạn thảo mới được cài đặt từ mục Gói mở rộng. Các văn bản, hình ảnh, âm thanh,...được thêm vào bài viết từ đây.
  • Chuyên mục bài viết: Ví dụ trên website của bạn sẽ bán quần áo. Và dĩ nhiên bạn sẽ có áo cho nữ và áo cho nam. Như vậy, các sẩn phẩm áo nữ bạn sẽ tạo các bài viết và mỗi bài viết về áo nữ này sẽ thuộc nhóm bài về áo nữ. Còn các bài viết về áo nam sẽ thuộc nhóm bài áo nam. Như vậy, Chuyên mục bài viết cho phép ta tạo các chủ đề cho từng nhóm bài viết.
  • Thẻ (tag): Cũng gần nghĩa với chuyên mục nhưng Thẻ cho phép chúng ta linh độnh hơn trong việc tạo các nhóm bài viết cùng chủ đề. Giả sử bạn viết các bài về quần kaki màu bò, thay vì bạn tạo thêm chuyên mục bài viết là quần kaki màu bò thì bạn có thể tạo các thẻ (tag) là quần kaki màu bò, hoặc quần kaki hoặc quần màu bò,...điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp người dùng có thể xem các bài viết cùng nhóm nội dung mà bạn chủ định sắp xếp từ trước mà không phải tốn quá nhiều chuyên mục bài viết.

2.2.3 Phương tiện

Phương tiện wp
 
Menu phương tiện gồm hai menu con đó là thư viện và thêm tập tin.
  • Thư viện: là menu mặc định khi kích về menu phương tiện, nó chứa các tập tin liên quan đến hình ảnh, âm thanh, video, các tập tin khác... Tại đây các bạn có thể xem lại các tập tin mà ta đã upload lên trang web của mình hoặc có thể tải lên các file.
  • Thêm tập tin: Menu cho phép bạn thêm các file tập tin từ máy tính hoặc upload lên thông qua các liên kết trung gian.

2.2.4 Trang

Trang wp
 
Menu này liên quan đến các trang (page) của trang web. Trang có ý nghĩa tương tự như bài viết nhưng trang có thuộc tính là page và bài viết có thuộc tính là post. Post thường được dùng như các bài viết liên tục được đăng tải trên web một cách đều đặn (như các bài viết chia sẻ trên blog), còn Page thường được dùng như các trang giới thiệu về các trảng sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp,...
  • Tất cả các trang: menu con này của trang hiển thị danh sách tất cả các bài viết đã viết trên web. Ta có thể chọn sửa hoặc xóa bất kỳ các bài viết nào trong danh sách này.
  • Thêm trang mới: Đây là nơi bạn có thể tạo các bài viết mới để đăng tải trên trang web của mình. Bạn có thể viết các đoạn giới thiệu về công ty, về cửa hàng, về các sản phẩm hay dịch vụ của bạn,...Bạn cũng có thể thêm các hình ảnh, âm thanh, video hoặc các đoạn flah vào các trang bài viết, và dĩ nhiên bạn sẽ lấy các dữ liệu này từ việc upload từ máy tính của bạn lên Hosting của mình hoặc nhúng các liên kết từ các trang web khác.

2.2.5 Phản hồi

Phản hồi wp
 
Phản hồi là menu chứa các nhận xét từ những người dùng web của bạn. Các nhận xét này được người dùng nhập liệu vào các khu vực nhận xét trên một trang nào đó mà bạn chia sẻ thông tin. Dĩ nhiên bạn cũng có thể vô hiệu hóa tính năng nhận xét trong mục cài đặt hoặc cũng có thể chặn hoặc lọc các nhận xét riêng biệt mà bạn mong muốn.

2.2.6 Giao diện

Giao diện wp
 
Giao diện là menu liên quan đến giao diện hiển thị của trang web. Đây là nơi để bạn thiết lập những gì người dùng có thể nhìn thấy trên website của mình. Giao diện có các menu con sau:
  • Giao diện: Chứa các giao diện đã được cài đặt vào wordpress. Tuy nhiên chỉ một giao diện Wordpress được kích hoạt để hiển thị mà thôi. Ngoài ra, bạn cũng có thể tận dụng kho giao diện khổng lồ từ thư viện giao diện của WordPress bằng cách vào Thêm giao diện mới. Bạn sẽ có rất nhiều lựa chọn các giao diện tương ứng với lĩnh vực hoạt động của bạn như y tế, giáo dục, bất động sản, nhà hàng hoặc khách sạn,...Việc của bạn là chỉ cần lựa chọn, cài đặt và kích hoạt cho nó trở thành giao diện hiển thị chính với người dùng.
  • Tùy chỉnh: là nơi cho phép bạn tùy chỉnh giao diện về màu sắc, hình ảnh hiển thị ở đầu trang web (header), các thông tin ở cuối trang (footer) hay bố cục của giao diện,...Tùy thuộc vào các giao diện miễn phí mà bạn cài đặt và kích hoạt thì nội dung bên trong có thể cho bạn tùy chỉnh nhiều hoặc ít. Một số phiên bản miễn phí sẽ có các tùy chỉnh cơ bản nhưng theo kèm các tùy chỉnh nâng cao nếu bạn muốn thì phải trả phí cho người cung cấp bản giao diện này.
  • Widget: là các ứng dụng tiện ích hiển thị trên web. Widget có thể hiển thị ở các vị trí tùy thuộc vào cách sắp xếp bố cục trang web của chúng ta. Một website wordpress căn bản như trong ví dụ của loạt bài hướng dẫn này sẽ luôn có các Widget căn bản như nút tìm kiếm (search), bài viết mới đăng (recent post), bình luận mới (recent comment),...và các Widget này sẽ xuất hiện theo mặc định bố cục của giao diện mà bạn chọn kích hoạt. Dĩ nhiên chúng ta hoàn toàn có thể xếp đặt chúng vào vị trí bất kỳ mà chúng ta mong muốn cũng như là có thể cài đặt các Widget khác phù hợp với nhu cầu website của ta.
  • Menu: Là nơi bạn có thể tạo hoặc sửa các menu trên trang web. Menu trên trang web có chức năng điều hướng sử dụng người dùng vào các nội dung trên trang web. Thông thường Menu chính của trang sẽ được đặt bên trên đầu của trang và chứa cá mục liên quan đến nội dung chính yếu của trang web hoặc điều hướng đến các chuyên mục, chủ đề. Ta có thể tạo bất kỳ các menu và điều hướng đến mục nào mà chúng ta mong muốn và có thể đặt vị trí ở trên, dưới, trái hoặc phải,... 
  • Header: Là menu cho phép vào đây để thiết lập các thông tin liên quan đến phần đầu của trang web. Bạn có thể thiết lập logo, banner hoặc màu nền của phần đầu trang web tại đây. Tuy nhiên, việc sử dụng các giao diện khác nhau cũng sẻ liên quan đến việc chúng ta có thể thiết lập nhiều thông số trong phần Header này hay không.
  • Nền: Là nơi cho phép bạn thiết lập ảnh nền cho trang web. Bạn có thể chọn lựa ảnh nền ưng ý và upload lên phần thư viện và chọn để làm ảnh nền cho trang. Tuy nhiên điều này là không bắt buộc, bạn có thể không thiết lập gì cả nếu để màu nền mặc định là trắng.
  • Sửa: Là nơi truy xuất các tập tin được định dạng .php, .html, .index,...quy định các thuộc tính thể hiện tất cả trên trang web. Các file này đều được viết bằng các ngôn ngữ lập trình và ta có thể vào để biên tập thêm, bớt hoặc hiệu chỉnh các chức năng, giao diện trên web. Và dĩ nhiên yêu cầu đòi hỏi bạn phải có những kiến thức nhất định về các ngôn ngữ lập trình này nếu không, trang web của bạn có thể có vấn đề và hậu quả có thể là không thể truy cập được,...

2.2.7 Gói mở rộng

Gói mở rộng wp
 
Gói mở rộng (Plugin) là nơi liên quan đến các ứng dụng mở rộng ngoài phạm vi mặc định của phần mềm wordpress ban đầu ta cài đặt. Thông thường mặc định chương trình wordpress ban đầu mà ta đã cài (trong bài 5), Wordpress chỉ cung cấp cho ta một vài ứng dụng rất căn bản và có thể chưa kích hoạt. Đôi khi các ứng dụng này không cần thiết hay các ứng dụng cần thiết cho trang web của bạn lại không được cài đặt sẵn. Chính vì thế bạn cần phải chọn những gói mở rộng phù hợp với yêu cầu để cài đặt và kích hoạt chúng lên.
  • Đã cài đặt: cho phép bạn xem lại các ứng dụng mở rộng đã có trong WordPress. Bạn có thể chọn xóa, kích hoạt hoặc ngưng kích hoạt hoặc chỉnh sửa code cho từng ứng dụng đã cài đặt.
  • Cài đặt mới: Cho phép bạn truy xuất kho rất nhiều ứng dụng của wordpress và cài đặt, kích hoạt.

2.2.8 Thành viên

Thanh viên wp

Thành viên là nơi liên quan đến người dùng trang web của bạn. Trong menu này có 3 menu chính, đó là:
  • Tất cả người dùng: Hiển thị danh sách tất cả người dùng trên trang web của bạn bao gồm người quản trị và các thành viên. Vào đây bạn có thể biết được trang web của mình có bao nhiêu thành viên với các vai trò tương ứng. Và dĩ nhiên nếu cần chức năng đăng ký và đăng nhập thành viên thì bạn nên cài đặt một ứng dụng liên quan đến việc đăng nhập, đăng ký và quản lý thành viên trong phần Gói mở rộng.
  • Thêm mới: Bạn có thể thêm mới người dùng và gán vai trò cho họ là thành viên bình thường hoặc cộng tác viên hoặc quản trị viên,...Việc này được thực hiện hoàn toàn bằng thủ công. Nếu muốn người dùng tự đăng ký và tự thực hiện các thao tác điền thông tin, xác nhận,...bạn nên cài các ứng dụng mở rộng.
  • Hồ sơ của bạn: Cho phép bạn xem hồ sơ của mình đăng đăng nhập vài quản trị wordpress. Bạn có thể chỉnh sửa thông tin, màu sắc giao diện trang quản trị của mình hoặc upload hình ảnh đại diện của bạn.

2.2.9 Công cụ

Công cụ wp
 
Công cụ là khu vực cho phép bạn sử dụng các công cụ của wordpress để nhập hoặc xuất các dữ liệu trên web.
  • Các công cụ: Liệt kê các công cụ hiện hữu cho website của bạn
  • Nhập vào: Cho phép bạn sử dụng các công cụ để nhập các bài viết từ các định dạng như Dòng thông tin - RSS; LiveJournal thông qua sử dụng API của họ; Nhập bài viết & nội dung đa phương tiện từ Tumblr sử dụng API của họ; Nhập các bài viết, trang, bình luận, trường tùy chỉnh, danh mục và từ khóa từ một tập tin xuất ra của WordPress,...
  • Xuất ra: Nơi này cho phép bạn xuất ra các dữ liệu từ trang wordpress của mình. Wordpress sẽ tạo cho bạn một tập tin XML để tải về trong máy tính.

2.2.10 Cài đặt

Cài đặt wp
 
Trang cài đặt cho phép bạn thiết lập các thông số (thông tin) liên quan đến trang web của mình.
  • Tổng quan: Cài đặt các thông tin tổng quan cho trang web như địa chỉ hiển thị web www, thư điện tử, ngôn ngữ, múi giờ,...
  • Viết: Cài đặt các thông tin liên quan đến việc viết bài
  • Đọc: Cài đặt các vấn đề liên quan đến việc hiển thị các bài viết để đọc như hiển thị số lượng bài, tóm tắt bài viết hoặc cho phép các công cụ tìm kiếm đánh chỉ mục (index) bài viết/ trang web hay không...
  • Thảo luận: Cài đặt các vấn đề liên quan đến việc thảo luận, nhận xét của các thành viên như gửi email khi có nhận xét, duyệt nhận xét trước khi đăng, ảnh thành viên,...
  • Phương tiện: Cài đặt các vấn đề liên quan phương tiện trên web như kích thước hình ảnh hiển thị; Sắp xếp các tập tin theo thư mục dựa trên năm, tháng,...
  • Đường dẫn tĩnh: Thiết lập định dạng đường dẫn tĩnh cho các bài viết trên web. Ví dụ: http://thekycongnghe.com/?p=123; http://thekycongnghe.com/2016/11/bai-mau/; http://thekycongnghe.com/bai-mau/...

3. Cài đặt các thông số cơ bản trên trang wordpress

Trong bài này sẽ hướng dẫn bạn cài đặt các thông số cần thiết trước khi bắt đầu vào việc "trang điểm" cho trang web bằng các giao diện mẫu. Đây là các cài đặt cần thiết và bạn nên tiến hành trước tiên.

3.1 Cài đặt tổng quan

  • Tiêu đề trang: Tiêu đề hiển thị của trang web chính
  • Khẩu hiệu (slogan): câu khẩu hiệu của trang web
  • Địa chỉ WordPress (URL)/ Địa chỉ trang web (URL): Mặc định Wordpress sẽ ghi sẵn địa chỉ website của ta. Bạn không cần thay đổi link này.
  • Địa chỉ thư điện tử: Bạn phải điền vào hộp thư điện tử để các vấn đề về hệ thống hoặc tin nhắn từ thành viên hoắc các thông tín khác liên quan đến trang web sẽ được gửi về thông qua email này.
  • Thành viên: Nếu bạn kích chọn vào Ai cũng có thể đăng ký thì đồng nghĩa với việc bạn cho phép tất cả mọi người đều có thể đăng ký làm thành viên trên trang web của bạn. Ngược lại website sẽ không có chức năng đăng ký.
  • Vai trò của thành viên mới: Bạn có thể lựa chọn vai trò của thành viên mới đăng ký là Thành viên mới đăng ký; Cộng tác viên; Tác giả; Biên tập viên hoặc quản lý,...
  • Múi giờ: Nếu bạn ở Việt Nam thì bạn chọn tương ứng với vùng ASIA và chọn tỉnh thành tương ứng nơi trang web của bạn.
  • Định dạng ngày: Bạn sẽ kích chuột lựa chọn định dàng ngày trên trang web là y-m-d, m/d/Y, d/m/Y, hoặc lựa chọn khác.
  • Định dạng thời gian: 7:07 sáng hoặc 7:07 Sáng, hoặc 07:07 hoặc tùy biến. Bạn sẽ kích chuột để chọn lựa
  • Tuần bắt đầu vào: Thông thường chọn thứ 2
  • Ngôn ngữ của trang: Bạn có thể lựa chọn các ngôn ngữ bạn muốn dùng và muốn hiển thị cho trang web. Wordpress đã có bản dịch tiếng Việt với hơn 99% được chuyển ngữ.

3.2 Cài đặt viết

Bạn có thể cài đặt một số vấn đề các bài viết tại đây. Tuy nhiên trong ví dụ này sẽ chỉ hướng dẫn bạn các cài đặt cần thiết nhất. Bạn có thể cài đặt thêm tùy thuộc vào mức độ hoạt động của trang web.
Tùy chọn viết bài
  • Chuyên mục mặc định: Là mặc định các trang bài viết của bạn sẽ được lựa chọn thuộc chuyên mục này. Nhưng dĩ nhiên trong quá trình viết bài trên web, bạn cũng có thể chọn lại chuyên mục khác của bài viết thay vì giữ nguyên chuyên mục mặc định.
  • Định dạng bài viết mặc định: Là định dạng mặc định khi viết bài. Tương tự như phần chuyên mục mặc định, khi viết bài ta cũng có thể chọn lại định dạng bài viết tùy theo bài viết mà ta đang biên tập phù hợp với định dạng nào. Các định dạng bài viết mặc định mà Wordpress cung cấp cho ta như: Chuẩn, đứng riêng, bộ sưu tập, chát, video,...

3.3 Cài đặt đọc

Cài đặt này liên quan đến việc hiển thị các bài đọc trên website của bạn.
  • Hiển thị trên trang trước: Là cài đặt hiển thị trên trang chủ của website.
    • Một trang tĩnh:Bạn có thể chọn một bài viết bạn đã biên soạn trong phần Trang (tức là tạo bài viết nhưng thuộc tính là trang chứ không phải là Post) để trang web chủ sẽ hiển thị bài này.
    • Bài viết mới nhất: Bạn có thể cho trang chủ hiện thị danh sách các bài viết mới nhất (các bài viết được tạo ra bằng cách tạo trong mục Post) bằng cách kích chọn vào menu này.

3.4 Cài đặt phương tiện

3.5 Cài đặt đường dẫn tĩnh

Đường dẫn tĩnh tốt cũng là một yếu tố khá quan trọng trong việc SEO bài viết lên thứ tự cao hơn trong bảng tìm kiếm Google. Cấu trúc tên miền/tên bài viết đang được đánh giá cao trong các loại đường dẫn tĩnh vì nó chứa tiêu đề của bài viết. Trong bài viết này chúng ta sẽ lựa chọn định dạng đường dẫn tĩnh cho bài viết là http://thekycongnghe.com/bai-mau/ (tương ứng với mỗi địa chỉ website khác nhau sẽ có tên miền khác nhau). 

4. Viết bài mới và đăng bài trong wordpress

4.1 Viết bài mới

Tạo bài viết mới theo dạng Post:

Viết bài mới wp

Để tạo bài viết mới theo dạng Post, các bạn chọn mục Viết bài mới
 
Đăng bài viết lên wp
  1. Chọn Bài viết > Viết bài mới
  2. Nhập tiêu đề bài viết
  3. Vùng soạn thảo nội dung bài viết (ở đây ta thêm video, hình ảnh, âm thanh,...vào bài viết).
  4. Chọn định dạng cho bài viết (mặc định là chuẩn)
  5. Chọn chuyên mục cho bài viết (trang web này chưa tạo chuyên mục nên chưa có, khi nào bạn tạo ra các chuyên mục mới ở phần Chuyên mục thì các chuyên mục sẽ xuất hiện ở đây)
  6. Thêm thẻ cho bài viết
  7. Chọn hình đại diện cho bài viết
  8. Sau khi hoàn thiện soạn bài và các cài đặt khác ta sẽ chọn đăng bài viết.

4.2 Đăng tải video và hình ảnh

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu 2 cách để chèn hình ảnh và video vào bài viết. Các tập tin khác các bạn sẽ thực hiện các thao tác tương tự.

Cách 1: Chèn file bằng cách upload lên Hosting của bạn:

Chèn video vào bài viết
Bước 1: Chọn nút Thêm Media
 
Chèn video từ máy tính

Bước 2: Chọn tập tin
 
Chọn tập tin để upload

Bước 3: Lựa chọn file video từ máy tính
 
Chọn tập tin để upload 2

Bước 4: Chọn file Video sau khi đã upload xong và bấm chèn vào bài viết

Chèn video vào bài

Bước 5: Xem và hưởng thụ thành quả
 
Chèn video thành công

Tương tự như các bước trên, bạn có thể chèn hình ảnh vào bài viết bằng cách bấm chọn Thêm Media và upload file hình ảnh từ máy tính và bấm Chèn vào máy tính. Ta có kết quả ví dụ như sau:

Chèn hình ảnh vào bài

Cách 1: Chèn file bằng cách upload lên Hosting của bạn:

Thay vì chọn file upload từ máy tính, ta sẽ chọn file từ một liên kết URL. 
  1. Chọn từ URL
  2. Dán liên kết video từ các trang mạng khác (ví dụ là youtube)
  3. Bấm chèn vào bài viết
Chèn video từ youtube
 
Video chèn từ Yotube

Tương tự như cách chèn URL từ youtube, bạn có thể lấy link từ bất kỳ một đối tượng media từ một trang web nào và chèn vào bài viết của mình. Ví dụ tiếp theo chúng ta sẽ chèn một hình ảnh từ việc tìm kiếm hình ảnh trên Google và chèn vào bài viết một cách nhanh chóng.
  • Tìm hình ảnh trên Google với từ khóa cần tìm
  • Nhấp chuột phải vào ảnh và chọn Sao chép địa chỉ hình ảnh (copy image location)
  • Dán link vào dòng chứa địa chỉ URL
chèn hình ảnh từ website khác 1
 
chèn hình ảnh từ website khác 2

Ta được kết quả là hình ảnh từ trang mạng khác đã được hiển thị trong bài viết của mình:
 
chèn hình ảnh từ website khác 3
 

4.3 Chọn ảnh đại diện cho bài viết

Chọn ảnh đại diện cho bài viết là thiết lập hình ảnh xuất hiện trước các bài viết minh họa cho nội dung của bài viết. Để chọn hình ảnh đại diện bạn vào mục số 7 trên giao diện trang viết bài mới - Chọn ảnh tiêu biểu. Quá trình thực hiện tương tự như bạn thực hiện việc chèn một hình ảnh cho bài viết. Và đây là kết quả:
chọn ảnh tiêu biểu

4.4 Đăng bài lên web

Sau khi hoàn thiện nội dung và chọn ảnh tiêu biểu. Bạn chọn đăng bài viêt ở mục số 8 trên trang đăng bài viết - Nút đăng bài viết.
Đăng bài viết 2

Sau khi đăng bài viết, bạn ra trang chủ sẽ có kết quả mà chúng ta vừa thực hiện.
 
kết quả trang web tạo bài viết mới

5. Cài đặt giao diện mới từ thư viện WordPress

Trong phần này, ta sẽ vào kho lưu trữ giao diện mẫu của wordpress và chọn cho mình một giao diện ưng ý và tiến hành cài đặt nó. Để làm được điều này các bạn tiến hành theo các bước sau:
Bước 1: Bấm chọn Giao diện
Bước 2: Bấm chọn Thêm giao diện mới hoặc Thêm mới
 
Thêm giao diện mới

Bước 3: Dựa vào các menu lọc (1) hoặc nút tìm kiếm (2) để ta tìm kiếm các giao diện như mong muốn. Sau đó WordPress sẽ hiển thị ra danh sách các trang web bên dưới - vùng (3).
 
Thêm giao diện mới 2

Bước 4: Rê chuột đến giao diện ưng ý và chọn các hành động tương ứng
  • Hành động 1 (1): Chi tiết và xem trước
  • Hành động 2 (2): Cài đặt luôn không cần xem trước
  • Hành động 3 (3): Xem thử - tương đồng với hành động 1 (1).
Trong ví dụ này ta sẽ chọn hành động là Chi tiết và xem trước (1).
Giao diện mẫu

Ở trang xem trước này, nếu giao diện ưng ý, ta sẽ chọn cài đặt hoặc bấm X (2) để thoát ra vừa lựa chọn các giao diện khác. Ví dụ này ta sẽ chọn là Cài đặt.
 
xem truoc giao dien wp

Bước 5: Sau khi cài đặt xong, ta tiếp tục bấm Kích hoạt  để áp dụng giao diện mới cho trang web của mình.
 
kich hoat theme wp


Bước 6: Tận hưởng thành quả. Bạn hãy xem giao diện mới được áp dụng lên trang web của mình
 
Giao diện mẫu wp
 

Tìm hiểu bài sau:

Như vậy là sau bài số 6 này, bạn đã biết cách để tương tác với trang quản lý website WordPress, qua đó bạn có thể tùy chỉnh giao diện trang web của mình theo ý muốn hoặc tạo các bài viết với các nội dung gồm văn bản, hình ảnh hoặc video,...Trong bài tiếp theo, bài số 7, chúng ta sẽ tìm hiểu cách để cài đặt các plugin mở rộng phục vụ các tính năng mà trang web chúng ta mong muốn.
Có: 0/0 đã cho sao
tiếc gì 1 click để cho sao

Bạn đã xem chưa?

Đăng ký ngay công cụ SEO web hiệu quả, dễ dùng XOVI NOW

Đăng ký ngay công cụ SEO web hiệu quả, dễ dùng XOVI NOW

XOVI NOW SEO là một công cụ SEO toàn diện, cung cấp đầy đủ các tính năng cần thiết cho doanh nghiệp trong việc tối ưu hóa website và tăng thứ hạng trên công cụ tìm kiếm.

Chăm sóc trang web, điều nên làm ngay khi có web

Chăm sóc trang web, điều nên làm ngay khi có web

Website là một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh trực tuyến của bất kỳ doanh nghiệp nào. Chăm sóc website là một trong những công việc quan trọng để đảm bảo website hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả.

Tạo email giá rẻ và hiệu quả: Khám phá giải pháp tiết kiệm chi phí.

Tạo email giá rẻ và hiệu quả: Khám phá giải pháp tiết kiệm chi phí.

Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng, việc có một địa chỉ email chuyên nghiệp trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, không phải ai cũng muốn đầu tư một số tiền lớn để có một dịch vụ email chất lượng.

Quay lại trang Blog
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây